HTX Rau nhót xứ Nghệ: Chàng trai 8X Nghệ An khởi nghiệp với cây rau chịu mặn

Có một loài rau dại mọc ven các đầm tôm, trảng cát hoặc dọc các cánh đồng muối chỉ thu hoạch được một mùa, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp, từ khi được thuần hoá đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu/ha.
Thuần hoá rau dại trên đất nhiễm mặn

Cánh đồng Doi ở phường Mai Hùng (TX.Hoàng Mai) khô hạn, nhiễm mặn nên trước đây bỏ hoang, cỏ mọc lút đầu người nay đã phủ màu xanh non của rau nhót. Ảnh: Thanh Phúc
Rau nhót là loại rau dại mọc ven sông nước lợ, các đầm tôm, ruộng muối, cho thu hoạch vào tháng 1- tháng 3 âm lịch, chủ yếu ở địa bàn Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Do mọc hoang dại nên năng suất loại rau này thấp, người dân ven biển chủ yếu hái về chế biến món ăn cho gia đình, năm nào rau được mùa, hái ăn không hết thì đem bán.
Tuy nhiên, thời gian thu hoạch ngắn, rau phân bố rải rác nên sản lượng không cao, giá trị kinh tế mang lại thấp. Đặc biệt, hiện nay, ven các đầm tôm, đầm muối, ven sông… hiện đã được cải tạo, san lấp và có xu hướng bê tông hoá nên diện tích rau nhót còn lại không nhiều. Trong khi đó, rau nhót đã trở thành “đặc sản” được nhiều người ưa chuộng, giá bán trên thị trường khá cao từ 15.000 đồng – 20.000 đồng/kg.
Không muốn một đặc sản quê nhà bị cạn kiệt, Trần Văn Quân (SN 1984 ở Quỳnh Dị, TX.Hoàng Mai) đã ấp ủ dự định thuần hoá cây rau nhót, đem vào trồng thâm canh trên đồng đất nhiễm mặn.
Từ loài rau hoang dại, với những “bí quyết” riêng, anh Trần Văn Quân đã thuần hoá thành công, đem lại thu nhập 1 tỷ đồng/năm. Ảnh: Thanh Phúc
Cánh đồng Doi rộng hơn 1ha ở phường Mai Hùng (TX.Hoàng Mai) lâu nay hoang hoá, cỏ mọc cao quá đầu gối, bởi trước đó người dân đã trồng thử đậu, lạc nhưng cây cằn, chết yểu, năng suất thấp. Tự mày mò, đo thử độ PH trong đất thì thấy khá thích hợp với cây rau nhót, Quân “đánh liều” thầu khoán lại 1ha này để thực hiện ý tưởng của mình.
Là cây rau dại, sức sinh trưởng mạnh thế nhưng khi đưa vào nhân giống, trồng thử lại khá khó khăn. Phải xuống giống đến lứa thứ 4 thì cây mới thích nghi và phát triển.
“Nhận khoán xong thì dốc vốn liếng tích góp bấy lâu, vay mượn bạn bè, người thân nữa, bỏ vào vùng đất hoang này gần 1 tỷ đồng để san ủi, cải tạo đất, làm hệ thống mương thoát nước và lắp đặt bec tưới tự động. Cây rau dại nhưng đưa vào trồng thâm canh lại không phải dễ. Một mặt vừa tuân thủ đặc tính tự nhiên của cây, mặt khác phải biết bổ sung các chất hữu cơ như: phân gà ủ chua, bã mắm lên men, tưới nước mặn… để cây rau sinh trưởng, phát triển tốt, non và cho thu hoạch quanh năm”, anh Trần Văn Quân cho biết.

Rau nhót thành đặc sản, được các nhà hàng, khách sạn, các khu du lịch trong nước đặt mua số lượng lớn. Đầu ra cho loại rau này vì thế khá ổn định. Ảnh: Thanh Phúc
Nhờ các “bí quyết” đó nên anh đã thuần hoá thành công loại rau nhót này. Bắt đầu từ tháng 9 âm lịch xuống giống, cây non mọc lên thì đem gieo cấy, sau 3 tháng thì rau nhót cho thu hoạch. Thay vì chỉ cho thu hoạch trong tiết lập Xuân, nắng nóng là cây cằn, già như cây rau nhót dại thì sau khi thuần hoá, rau nhót trồng thâm canh cho thu hoạch quanh năm (khoảng 10,11 tháng). Đều đặn 3-5 ngày cho thu hoạch 1 lứa, mỗi lứa 3-5 tạ/sào. Trồng theo phương thức gối vụ nên ngày nào cũng có thu hoạch để bán rau ra thị trường.
Rau nhót giờ đây không chỉ là món quê dân dã mà đã thành một đặc sản ở các nhà hàng, khách sạn, các khu du lịch nổi tiếng. Do đó, thị trường tiêu thụ khá rộng mở. Hiện, ngoài thị trường nội tỉnh, rau nhót đã được xuất bán ra các tỉnh phía Bắc, các khu du lịch biển ở Phú Quốc (Kiên Giang), Cà Mau… Giá rau nhót ở thời điểm hiện tại dao động từ 15-25.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi năm đem về nguồn thu khoảng 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3-5 lao động địa phương.

Hướng mở từ mô hình nông nghiệp mặn

Thu hái hàng ngày và thời gian thu hái quanh năm, ngoài tạo nguồn thu ổn định còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Thanh Phúc
Sắp tới, HTX Rau nhót xứ Nghệ do Trần Văn Quân làm chủ sẽ thuê thêm đất nhiễm mặn bị bỏ hoang, mở rộng diện tích trồng rau nhót và các loại thực vật chịu mặn như: rau sam biển, sam đất, măng tây biển… ở các địa phương ven biển; đồng thời, liên kết với người dân các vùng này để chuyển giao kỹ thuật, trồng và bao tiêu sản phẩm với mục tiêu “phủ xanh” đất nhiễm mặn, tạo sinh kế, cải thiện môi trường cho người dân.
Trong khi khí hậu ngày càng khắc nghiệt thì việc đưa cây rau nhót vào thâm canh trên đồng đất nhiễm mặn, sử dụng nước mặn và phụ phẩm nuôi trồng chế biến hải sản để bón, tưới được xem là giải pháp thích nghi với biến đổi khí hậu, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở các địa phương khi hiện nay, diện tích sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn ngày càng gia tăng, trong đó tập trung tại các huyện: Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TX.Hoàng Mai… Dự báo, những năm tới, tình hình xâm nhập mặn sẽ ngày càng gia tăng cả về diện tích và độ mặn.
Chủ động về giống, cây chịu mặn, chịu hạn tốt nên rau nhót được đánh giá cao trong việc lựa chọn loại cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Thanh Phúc
Do đó, cùng với việc thực hiện các biện pháp hạn chế xâm nhập mặn thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xem là giải pháp hiệu quả, mang tính bền vững cho vùng sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn tại nhiều địa phương. Trong đó, cây rau nhót qua mô hình trồng thử nghiệm đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Hiện sản phẩm rau nhót đang xuất bán thô trên thị trường, dùng để chế biến món ăn như nộm rau nhót, rau nhót xào tỏi…
Hy vọng trong thời gian tới, khi cây rau nhót được phân tích thành phần, kiểm nghiệm chất lượng sẽ được đưa vào chế biến sâu thành bột rau nhót, trà rau nhót, bánh rau nhót…, tạo nên những sản phẩm đặc trưng của địa phương ven biển, góp phần triển khai mô hình nông nghiệp mặn bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự định sắp tới của Trần Văn Quân là mở rộng diện tích rau nhót lên 5ha tại các vùng đất nhiễm mặn ở Hoàng Mai, Quỳnh Lưu. Đồng thời, cung ứng giống cho các địa phương khác trong cả nước. Ảnh: Thanh Phúc

Nguồn tin: Theo Bao Nghe An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *